THÔNG TIN CHI TIẾT
Muốn dịch giỏi, trước hết phải ... đọc

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm rằng tôi không đồng ý với chuyện "Ông Tường bảo ông muốn dịch là “Nhân gian”, vì cái tên gốc có cả phần đất và phần người, hai cái tên dịch kia nhấn nhiều về phía người".


Trong bài "Nói mà chơi" (Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 08.05.02), Phạm Xuân Nguyên viết:

Ông Dương Tường có nói một ý này hay: dịch những tác phẩm văn học để giúp cho giới văn nâng cao nghệ thuật kỹ thuật viết, ngoài ra còn giúp cho đông đảo người Việt viết đúng viết giỏi tiếng Việt hơn. Tôi nhắc đến cuốn “Terre de l’homme” của Saint-Exupéry với hai cách chuyển ngữ đầu đề: “Cõi người ta” (Bùi Giáng), “Quê xứ con người” (Nguyễn Thành Long). Ông Tường bảo ông muốn dịch là “Nhân gian”, vì cái tên gốc có cả phần đất và phần người, hai cái tên dịch kia nhấn nhiều về phía người, vả lại đọc sách thì thấy cậu Hoàng tử nhỏ ở hành tinh khác nhìn về quả đất kia mà. 

Ông Dương Tường nói: "dịch những tác phẩm văn học để giúp cho giới văn nâng cao nghệ thuật kỹ thuật viết". Nghe thích lắm. Và ông nói: "...giúp cho đông đảo người Việt viết đúng viết giỏi tiếng Việt hơn". Nghe lại càng thích. Chỉ có một điều cả ông Dương Tường lẫn ông Phạm Xuân Nguyên quên nói. Ðó là: muốn dịch những tác phẩm văn học nước ngoài, trước hết phải chịu khó đọc những tác phẩm ấy. 

Ðiều này nghe có vẻ quá thừa thãi và đáng buồn cười nhưng, kỳ quặc thay, lại cần phải nói ra ở đây. Bằng chứng hiển nhiên là cả hai ông Dương Tường và Phạm Xuân Nguyên đều chưa đọc tác phẩm của Saint-Exupéry mà đã "dịch" tùm lum cả lên! Này nhé: nhan đề cuốn sách l�Terre des hommes chứ đâu phải l�"Terre de l'homme". Té ra hai ông chưa đọc đến cả nhan đề của nguyên tác! Lại nữa: cuốn Terre des hommes (do Saint-Exupéry viết năm 1939 sau khi được André Gide khuyến khích) kể lại đoạn đời của chính tác giả khi làm phi công cho Aéropostale, chứ đâu phải cuốn Le petit prince (viết năm 1943) mà có cái chuyện "vả lại đọc sách thì thấy cậu Hoàng tử nhỏ ở hành tinh khác nhìn về quả đất kia mà"? Té ra hai ông cũng chưa đọc cả hai bản dịch Cõi người ta v�Hoàng tử bé của Bùi Giáng! Thật thú vị nhỉ! 

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm rằng tôi không đồng ý với chuyện "Ông Tường bảo ông muốn dịch là “Nhân gian”, vì cái tên gốc có cả phần đất và phần người, hai cái tên dịch kia nhấn nhiều về phía người". 

Chữ "gian" có nghĩa là "giữa". Trong Từ Ðiển Hán Việt Hiện Ðại (nxb Thế Giới, Hà Nội, 1994), chữ "nhân gian" được giải thích là "giữa cuộc đời, giữa những con người". Vậy, "phần đất" của ông nằm ở chỗ nào? Còn chữ "cõi", ngược lại, có thể là chữ chứa chút ít "đất" trong đó chứ chẳng chơi. Khi người anh em Trung quốc kéo quân xâm lấn "bờ cõi" của nước ta, thì nhân dân trong toàn "cõi" Việt Nam há đã chẳng tạm thời gát lại mọi chuyện của "cõi" riêng để cùng hiệp lực chống trả đó ư? Cụ Tiên Ðiền làm thơ "trăm năm trong cõi người ta...", thì "cõi" ấy ở trên mặt đất hay là ở đâu vậy? 

Bùi Giáng, nhà thơ tài hoa đã từ giã "cõi" trần, dịch Terre des hommes thành Cõi người ta, tưởng là đã quá hay, mà lại bị chê bai bởi những dịch giả chưa hề đọc Terre des hommes. Ngược lại, Louis Galientière dịch Terre des hommes thành Wind, Sand, and Stars, tưởng là quá... trật lất, mà lại được La Société Civile pour l’Œuvre et la Mémoire d’Antoine de Saint-Exupéry xem là bản dịch classique. Thế mới biết tiêu chuẩn dịch thuật của trí thức Việt Nam quá cao so với Pháp! Hãnh diện quá!


Có lẽ tôi nên dừng lại ở đây vì tự nhiên thấy mất hứng. Chỉ xin kết luận rất gọn rằng "rành rẽ tiếng nước mình" đến đâu đi nữa, mà dịch giả không đủ hiểu biết về văn hoá nước mình, thì bản dịch cũng chỉ là... sấm; và nếu muốn "dịch những tác phẩm văn học để giúp cho giới văn nâng cao nghệ thuật kỹ thuật viết, ngoài ra còn giúp cho đông đảo người Việt viết đúng viết giỏi tiếng Việt hơn", thì trước hết dịch giả phải chịu khó... đọc nguyên tác.